Chợ Hôm vốn nổi tiếng là nơi tập kết toàn những thực phẩm thơm ngon của Hà thành, cả một dãy hàng khô có đến 30 hàng, chẳng mấy nơi nói “không” khi chúng tôi hỏi mua hàn the cho vào bánh tẻ
Một chị bán hàng còn dặn thêm: “Bây giờ hàn the trong thực phẩm bị cấm, nhưng mình làm cho nhà mình ăn thì chẳng... sợ!”. Khi được hỏi về phụ gia thay thế, chị nhanh nhảu chỉ về quầy hàng đối diện: “của độc” của chợ đấy. Nhưng khi chúng tôi đến hỏi quầy hàng này thì người bán lắc đầu quầy quậy: hết hàng!
Hỏi chuyện một hồi, chị mới “bật mí” cửa hàng đứng ra đăng ký phụ gia thay thế đại diện cho chợ trước thành phố thôi, chứ có mấy ai hỏi mua mà kinh doanh với lãi lời. Chỉ vào hộp kính sáng choang ở một góc cao, chị bảo: “Phụ gia an toàn đấy. Nhưng nói thật là ở đây cũng chỉ có mấy gói phẩm màu thay thế cho phẩm công nghiệp”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, phó cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, phụ gia thay thế trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hơn, phần lớn được chiết xuất từ mai mực, vỏ tôm, rong biển... đảm bảo được độ dẻo, dai cho thực phẩm. Ngay cả những phụ gia thay thế này cũng phải được sử dụng ở liều lượng cho phép mới đảm bảo được an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chẳng hạn, CMC là một phụ gia có khả năng thay thế hàn the về độ giòn, dai cho thực phẩm, nhưng nó cũng chỉ thật sự đạt tiêu chuẩn an toàn khi độ tinh khiết đạt đến 90%. Tuy nhiên, giá phụ gia an toàn thường đắt gấp 5-6, thậm chí hàng chục lần so với hàn the nên người sản xuất vẫn chọn sản phẩm quen thuộc này.
Theo chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung, nhiều cơ sở sản xuất giò chả than phiền rằng muốn dùng phụ gia thay thế an toàn nhưng không biết tìm mua ở đâu. Đây cũng là một lý do khiến việc sử dụng hàn the trở thành “việc đương nhiên”, dù tính chất độc hại của nó đã được cảnh báo.