Gần đây, nhiều người sản xuất thực phẩm đổ xô đi mua các phụ gia sạch. Nhưng tiếc rằng, đây chỉ là sự đối phó của họ với cơ quan chức năng, chứ chưa phải là biểu hiện thực hành sản xuất thực phẩm tốt. Bởi hiện đang là đợt kiểm tra của các các cơ quan y tế.
Anh Nguyễn Văn Trung - ở Hà Tây - làm giò chả đã được trên 5 tháng. Nhưng hôm 25/10 vừa rồi mới lần đầu biết thế nào là phụ gia sạch. Anh Trung mua một lúc cả chất giòn giò, hương thịt, phẩm màu thực phẩm cho nem chua, cả thảy gần 300.000 đồng. Người bán hàng, đồng thời là chuyên gia về phụ gia, thực phẩm nên hướng dẫn anh rất cẩn thận. Người dẫn anh Trung đến cửa hàng phụ gia sạch này là một xe ôm. Đợi khách, anh xe ôm cho chúng tôi biết, mấy hôm nay ở Hà Tây đang kiểm tra các cơ sở sản xuất giò chả nên mấy hôm nay nhiều khách lên HN mua mặt hàng này.
Một lúc sau, người khách khác bước vào hỏi mua chất giòn giò cho vào giò chả. Người bán hàng hỏi thật xem anh có dùng hàn the không, anh cũng không giấu giếm: “Hàng làm bán trong ngày thì không, nhưng có đám cưới đặt thì cũng phải cho hàn the để bảo quản. Nhưng cho ít thôi, làm sao để cơ quan chức năng không phát hiện ra”.
Số liệu được công bố tại Hội nghị toàn quốc đảm bảo VSATTP đầu năm nay, tỉ lệ giò chả có hàn the khoảng 30 - 70%. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, một số người sản xuất giò chả còn nghĩ ra chiêu trộn lẫn hàn the vào phụ gia an toàn. Để nếu cơ quan chức năng có thấy các gói bột màu trắng ở các góc bếp, họ có thể cãi được. Nếu lực lượng thanh tra thử và phát hiện hàn the ngay trên giò chả thành phẩm thì họ cố nói thêm là chỉ cho một chút.
Một cán bộ làm công tác kiểm tra thực phẩm cho chúng tôi hay: “Đơn vị tính số hàn the cho vào giò chả mà người sản xuất sử dụng không phải tính bằng đơn vị gram, mà là bằng thìa càphê, bằng muôi. Công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm đã được làm từ nhiều năm nay, nhưng kết quả chưa nhiều. Đành rằng, chất giòn giò chỉ đạt được hiệu quả khoảng 80% nên người sản xuất vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Thêm nữa, ở các TP, thị xã, việc giám sát được duy trì, còn khi về đến các xã/phường, nhất là ở nông thôn thì không ai bao quát hết được”.
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng cũng đã rất nhiều lần kiến nghị về việc thiếu các cán bộ kiểm nghiệm VSATTP. Trung bình mỗi tỉnh chỉ có 3,2 người; trong đó chủ yếu có trình độ trung và sơ cấp, hoặc không phải chuyên ngành kiểm nghiệm VSATTP. Mới chỉ có 0,3% trong số gần 353.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.